“Thống kê cho thấy, cứ 1.000 trẻ em được sinh ra sẽ có 8 trẻ mắc các bệnh tim bẩm sinh. Nếu không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ sau này, thậm chí tử vong”, bác sĩ chuyên khoa I Vũ Năng Phúc – Trưởng khoa Tim mạch Nhi, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM nhấn mạnh.

Bệnh tim bẩm sinh nguy hiểm như thế nào? Làm thế nào để sớm nhận biết các triệu chứng của bệnh? Phương pháp điều trị nào an toàn, hiệu quả, phòng tránh được các biến chứng nguy hiểm cho trẻ?… Bài viết sau đây được tư vấn chuyên môn bởi bác sĩ chuyên khoa I Vũ Năng Phúc – Trưởng khoa Tim mạch Nhi, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM sẽ giúp bố mẹ trang bị đầy đủ những thông tin cần thiết về bệnh.


*

Bệnh tim bẩm sinh có thể đe dọa tính mạng trẻ nếu không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời


Nội dung bài viết

Phân loại bệnh tim bẩm sinhNguyên nhân dẫn đến bệnh tim bẩm sinhPhương pháp điều trị bệnh tim bẩm sinh

Bệnh tim bẩm sinh là gì?

Bệnh tim bẩm sinh hay dị tật tim bẩm sinh (tiếng Anh là Congenital Heart Disease) là những dị tật của cơ tim, van tim, buồng tim xảy ra ngay từ lúc còn trong bào thai và tồn tại sau sinh. Lúc này, một vài cấu trúc tim sẽ bị khiếm khuyết dẫn đến các hoạt động và chức năng của tim bị ảnh hưởng..

Bệnh lý tim mạch bẩm sinh là dị tật phổ biến nhất, và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong số những trường hợp dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ. Ở các nước phát triển, tỷ lệ trẻ mắc các bệnh tim bẩm sinh khoảng 0,8 – 1% các trường hợp trẻ sinh ra còn sống. 

Nhờ sự phát triển của kỹ thuật siêu âm cũng như sự hỗ trợ của hệ thống máy móc tiên tiến, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã có thể thực hiện tầm soát dị tật tim bẩm sinh ở trẻ ngay từ tuần thứ 18 của thai kỳ.


*

Dị tật tim bẩm sinh hoàn toàn có thể phát hiện được từ tuần 18 của thai kỳ


Phân loại bệnh tim bẩm sinh

Bác sĩ Vũ Năng Phúc cho biết một số dị tật tim bẩm sinh thường gặp ở trẻ gồm:

Nhóm bệnh tim bẩm sinh có tắc nghẽn

Hẹp van động mạch chủ: Đây là một trong những dị tật tim bẩm sinh nặng. Van động mạch chủ kiểm soát dòng chảy của máu từ buồng bơm chính của tim (tâm thất trái) đến động mạch chủ và toàn bộ cơ thể. Khi van động mạch chủ bị hẹp, làm giảm dòng chảy của máu giàu oxy từ tim đi nuôi các cơ quan trong cơ thể, khiến cơ tâm thất trái hoạt động nhiều hơn. Hầu hết trẻ em bị hẹp van động mạch chủ thường không có triệu chứng. Hẹp van có thể tiến triển theo thời gian. Do đó, cần theo dõi sát để được phẫu thuật hoặc can thiệp qua da để giải quyết tắc nghẽn này khi có chỉ định. Hẹp van động mạch phổi: Van động mạch phổi nằm ở giữa động mạch phổi và tâm thất phải. Bình thường, khi van mở, máu sẽ được bơm từ tâm thất phải lên phổi. Tuy nhiên, khi van động mạch phổi bị hẹp, tim hoạt động khó khăn hơn để tống máu qua chỗ hẹp lên phổi. Trường hợp này có thể áp dụng can thiệp nong van hoặc phẫu thuật tim hở. Hẹp dưới van động mạch chủ: Đây là tình trạng hẹp tâm thất trái vùng dưới van động mạch chủ, dẫn đến giảm kích thước đường tống máu của thất trái, làm dày thành tâm thất trái. Dị tật này có thể là bẩm sinh, hoặc do các bệnh lý về cơ tim (bệnh cơ tim phì đại). Van động mạch chủ 2 mảnh: Đây là trường hợp trẻ được sinh ra với van động mạch chủ có 2 mảnh thay vì bình thường là 3 mảnh. Van 2 mảnh thường sẽ thoái hoá sớm, nhanh, gây hẹp hở van và dãn động mạch chủ. Dị tật này thường được phát hiện khi trẻ trưởng thành, một số trường hợp biểu hiện sớm triệu chứng khi ở tuổi thiếu niên.

Nhóm dị tật vách ngăn

Thông liên nhĩ: Vách liên nhĩ ngăn giữa nhĩ phải và nhĩ trái xuất hiện lỗ thông (thay vì hoàn toàn kín) khiến máu có thể lưu thông giữa hai tâm nhĩ. Nếu chỉ có thông liên nhĩ đơn độc, hầu như không triệu chứng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.  Thông liên thất: Lỗ thông liên thất do khiếm khuyết trong quá trình hình thành vách ngăn giữa thất trái và thất phải. Lỗ thông này cho phép máu lưu thông từ thất trái qua thất phải, dẫn đến giãn buồng tim trái và tăng lưu lượng máu lên phổi. 

Nhóm bệnh tim bẩm sinh tím

Đây là tình trạng máu nuôi cơ thể chứa ít oxy hơn so với bình thường, dẫn đến trẻ bị tím ngay lúc sanh hoặc thời gian ngắn đến vài tháng sau sanh.

Tứ chứng Fallot: Đây là dị tật bẩm sinh tim thường gặp với 4 đặc trưng: động mạch chủ “cưỡi ngựa”, thông liên thất, hẹp tại van và/hoặc dưới van động mạch phổi gây cản trở máu lên phổi và thất phải dày. Trẻ bị tứ chứng Fallot cần phải phẫu thuật tim hở để đóng lỗ thông liên thất, mở rộng chỗ hẹp phổi gây cản trở máu lên phổi và cần được theo dõi sức khỏe suốt đời. Teo van 3 lá: Trẻ mắc chứng này sẽ không có van 3 lá, dẫn đến không có máu từ tâm nhĩ phải xuống trực tiếp tâm thất phải. Lúc này, cần can thiệp thông tim hoặc phẫu thuật tạo cầu nối làm tăng lưu lượng máu đến phổi. Chuyển vị đại động mạch: Vị trí của động mạch chủ và động mạch phổi bị đảo ngược, cụ thể là động mạch chủ bắt nguồn từ tâm thất phải, máu ít oxy trở về tim không lên được phổi để lấy oxy mà được tiếp tục bơm ra ngoài tới các cơ quan để cung cấp oxy. Ngược lại, động mạch phổi bắt nguồn từ tâm thất trái, máu nhiều oxy từ phổi trở về tim trái và lại tiếp tục được bơm ngược lên phổi để lấy oxy. Dị tật tim bẩm sinh này cần được can thiệp sớm sau sinh.

Nhóm các dị tật tim bẩm sinh khác

Hội chứng thiểu sản tim trái: Thất trái, động mạch chủ, van động mạch chủ và van 2 lá phát triển không bình thường làm máu đến động mạch chủ thông qua ống động mạch. Trong trường hợp ống động mạch đóng lại sau sinh, trẻ có nguy cơ tử vong.  Còn ống động mạch: Bình thường, ống động mạch (động mạch nối động mạch chủ và động mạch phổi) sẽ tự đóng lại sau sinh. Trong trường hợp, ống này không đóng lại, trẻ sẽ mang dị tật “còn ống động mạch”, làm máu đi từ động mạch chủ qua động mạch phổi, làm tăng lưu lượng máu lên phổi, về lâu dài gây tăng áp phổi. Thông tim bít ống động mạch bằng dụng cụ là lựa chọn hàng đầu. Trong 1 số trường hợp đặc biệt, phẫu thuật cột / thắt ống động mạch là lựa chọn thay thế. Bất thường Ebstein: là bệnh lý van 3 lá. Lá van sẽ dịch chuyển về phía mỏm tim do dính vào thành tim, do đó, tâm nhĩ phải sẽ lớn hơn, còn tâm thất phải bị nhĩ hoá nên nhỏ hơn bình thường. Van ba lá bất thường làm hở van từ nhẹ đến nặng và thể nặng có thể bị hẹp đường thoát thất phải. Dị tật này cũng thường đi kèm với rối loạn nhịp tim do đường phụ.

Nguyên nhân dẫn đến bệnh tim bẩm sinh

Bệnh tim bẩm sinh có thể do nhiều nguyên nhân; tuy nhiên, phần lớn các trường hợp khó xác định được nguyên nhân cụ thể. Bệnh có thể là do:

Yếu tố di truyền

Nhiều bố mẹ thắc mắc rằng bệnh tim bẩm sinh có di truyền không? Yếu tố di truyền được xem là căn nguyên lớn nhất của việc hình thành những dị tật bẩm sinh ở trẻ, đặc biệt là dị tật ở tim. Nếu bố, mẹ hoặc người thân trong gia đình mắc một trong những bệnh tim bẩm sinh thì trẻ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Tuy nhiên, một số trường hợp bố mẹ mang gen bệnh, không mắc tim bẩm sinh nhưng trẻ sinh ra vẫn có nguy cơ cao.

Nhiễm độc và nhiễm bệnh trong thời gian thai kỳ

Trong suốt quá trình mang thai, nếu mẹ có sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, ma túy, hút thuốc lá… hoặc một số loại thuốc thì trẻ sinh ra có nguy cơ mắc các dị tật tim bẩm sinh.