LONDON, Anh (NV) – Ban Việt Ngữ đài BBC London, thường gọi là BBC Tiếng Việt ở London, Anh, là một trong những bộ phận bị đề nghị chuyển sang làm việc tại thủ đô Bangkok, Thái Lan, theo quyết định của ban giám đốc BBC World Service hôm Thứ Năm, 29 Tháng Chín.

Ban Việt Ngữ hiện có hai nhóm làm việc, nhóm chính ở London và một chi nhánh ở Bangkok.

*
Logo Ban Việt Ngữ đài BBC London. (Hình: BBC Tiếng Việt)


Đây là một phần trong kế hoạch cắt giảm gần 400 nhân sự để tiết kiệm khoảng $30 triệu, theo thông báo của cơ quan này.

“Vai trò của BBC chưa bao giờ quan trọng khắp thế giới như hiện nay. BBC được hàng trăm triệu người tin tưởng vì đưa tin không thiên vị, đặc biệt là tại các quốc gia thiếu thông tin…,” bà Liliane Landor, giám đốc BBC World Service, nói trong thông báo của đài. “Chúng ta phải mở rộng dịch vụ kỹ thuật số khắp đài để có thể phục vụ và kết nối tốt hơn với khán giả. Cách mà họ tiếp cận tin tức và nội dung đang thay đổi và thách thức của chúng ta là làm sao đến với họ và làm cho họ tương tác khắp thế giới với phẩm chất và truyền thông đáng tin tưởng ngày càng tăng.”

Theo thông báo, BBC World Service vẫn tiếp tục hoạt động 24 giờ/ngày với hơn 40 ngôn ngữ khác nhau, nhưng nhân sự không tập trung ở London nữa mà chuyển đến các quốc gia gần nơi có nhu cầu tin tức hơn.

Theo thông báo của Nghiệp Đoàn Quốc Gia Các Nhà Báo (NUJ), trong số các ban ngôn ngữ di chuyển khỏi London có ban tiếng Thái và ban tiếng Việt sẽ chuyển về Bangkok, Thái Lan; ban tiếng Triều Tiên chuyển về Seoul, Nam Hàn; ban tiếng Bangla chuyển về Dhaka, Bangladesh; và ban truyền hình “Focus on Africa” phát hình từ Nairobi, Kenya.

Khi biết tin này, NUJ bày tỏ lo ngại là nhiều người không thể đến một số vùng ở Châu Á làm việc vì vấn đề nhân quyền tại một số quốc gia.

“Chúng tôi lo ngại việc thuyên chuyển này vì sẽ bị mất một số việc làm một cách không cần thiết,” ông Paul Siegert, đại diện NUJ, phát biểu trong thông báo của nghiệp đoàn. “Một số người sẽ bỏ việc vì họ không thể đến làm việc tại các quốc gia có vấn đề về nhân quyền. BBC cần phải bảo đảm với chúng tôi là những người này phải có việc làm khác và không bị rơi vào tình trạng bị buộc phải bỏ việc.”

Trong khi đó, nhật báo The Guardian hôm Thứ Sáu, 30 Tháng Chín, trích lời một số nhà báo nói rằng chuyển Ban Việt Ngữ về Thái Lan là nguy hiểm cho tự do báo chí.

The Guardian cho biết nhiều phóng viên ở BBC World Service nói rằng nhà nước Việt Nam từng bắt cóc nhà báo ở Thái Lan. Họ cũng cho rằng lãnh đạo của BBC cứ tưởng rằng người Việt Nam làm việc truyền thông ở Thái Lan là an toàn.

“Nếu lên tiếng chỉ trích chính quyền Việt Nam, ngay cả đang ở Thái Lan, không an toàn chút nào,” một nhân viên BBC nói với The Guardian.

Tại Thái Lan, mỗi năm, các nhà báo ngoại quốc phải gia hạn visa làm việc.

Tại Việt Nam, nhà báo không được hoạt động tự do, vì chế độ độc đảng, theo The Guardian. Vì thế, hầu hết nhân viên Ban Việt Ngữ thường làm việc ở London, cùng với các ban khác.

Một phát ngôn viên của BBC nói: “An toàn và an ninh của nhà báo là tối quan trọng. Chúng tôi không đề nghị mở văn phòng mới ở Bangkok vì Ban Việt Ngữ đã có chi nhánh ở đây rồi. Và họ làm việc rất tốt.”

Ông Bill Hayton, cựu thông tín viên BBC từng thường trú tại Việt Nam, nói rằng chuyển nhân viên đi như vậy sẽ làm BBC World Service “đi xuống.”

“Để tiết kiệm, chúng ta có thể mướn người ở Thái Lan, trả lương theo thời giá ở đó. Các nhà bất đồng chính kiến Việt Nam ở Thái Lan từng bị công an Việt Nam bắt cóc và điều này làm các nhà báo Việt Nam lo ngại. Điều này nguy hiểm với nghề báo ở BBC cũng như đối với các nhà báo làm việc cho BBC.”

Hiện nay, theo The Guardian, đang có căng thẳng tại BBC World Service qua hai khuynh hướng.

Một quan điểm cho rằng nhà báo ngôn ngữ nào nên làm việc tại quốc gia nói ngôn ngữ đó. Một quan điểm khác cho rằng BBC World Service phục vụ khắp thế giới và có thể sản xuất tin tức tại London.

BBC cho rằng họ nên tập trung sản xuất tin tức qua Internet để có thể tiếp cận giới trẻ nhiều hơn, thay vì tìm cách duy trì các chi nhánh phát thanh và truyền hình ở ngoại quốc.