Với chiếc váy đen mỏng manh bó sát cơ thể, đôi găng tay đen kéo dài quá khuỷu, chuỗi ngọc trai màu trắng và chiếc tẩu hút thuốc kỳ dị, Audrey Hepburn đã đi vào lịch sử điện ảnh và thời trang.

Tiffany’s là tên cửa hàng trang sức và đá quý sang trọng bậc nhất nước Mỹ nằm ở khu thượng lưu Manhattan, New York. Mỗi khi cảm thấy bất an, Holly Golightly, nhân vật chính của bộ phim thường bắt xe đến đây và ngay lập tức cảm thấy dễ chịu trở lại. Điểm tâm ở Tiffany’s hàm nghĩa những ảo mộng về một cuộc sống xa hoa đẳng cấp của tầng lớp thượng lưu.

* Hình ảnh trong phim

* Trailer phim "Breakfast at Tiffany"s"


Được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Truman Capote, Breakfast at Tiffany’s tìm thấy điểm hấp dẫn trước tiên ở tính cách độc đáo, có một không hai của nhân vật chính Holly Golightly.

“Xưa có một cô gái vô cùng dễ thương, vô cùng yêu đuối. Nàng sống một mình, chẳng có ai khác làm bạn ngoài một con mèo không tên” - anh chàng nhà văn Paul Varjak miêu tả về người hàng xóm yêu kiều của mình như vậy. O.J.Berman, ông bầu Hollywood thì gọi nàng là “rởm đời nhưng rởm một cách chân thành”. Chính nàng thì luôn tự coi mình là “một con thú hoang”, không thuộc về bất cứ đâu cũng như bất cứ ai.



Holly Golightly - vai diễn để đời của Audrey Hepburn.Holly Golightly là một kiểu nhân vật đặc biệt, vừa đơn giản vừa phức tạp. “Đơn giản” là vì nàng nói quá nhiều, tính cách hướng ngoại, lại nhẹ dạ. “Phức tạp” là vì nàng dễ tổn thương, đời sống nội tâm phong phú và có những bí mật được che giấu trong quá khứ. Holly Golightly bị ám ảnh bởi tự do, bởi những cái lồng, luôn cố trốn thoát khỏi những điều tốt đẹp mà những người đàn ông tử tế mang lại. Đó là một cô gái có xu hướng tự hủy hoại bản thân mình. Bù lại, Holly yêu anh trai Fred của mình tha thiết. Nàng lại duyên đáng, đẹp đẽ một cách kỳ lạ, gu thời trang tuyệt diệu và đài các.

Căn phòng nhỏ của nàng bề bộn và tạm bợ với những chiếc vali và những thùng đồ chưa mở, như thể chủ nhân đang trong một cuộc chạy trốn, sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào. Nàng hút thuốc lá, vài lần say xỉn, tiệc tùng liên miên, khi nổi giận thì đập vỡ đồ đạc, ném mèo vào tường, thi thoảng còn đi “chôm” đồ ở cửa hàng. Nàng lại không có nghề nghiệp rõ ràng, kiếm tiền một cách đáng ngờ nhờ tiền lẻ mà nàng xin được từ đám đàn ông và bằng cách hàng tuần đến thăm một ông trùm ma túy đang ngồi ở nhà tù Sing Sing. Ước mơ lớn nhất của đời nàng là kiếm được một tấm chồng chẳng cần yêu đương gì sất, miễn là giàu. Nàng mồi chài đàn ông với hy vọng tiến thân và đổi đời.

Rõ ràng, Holly Golightly không phải một thứ công dân kiểu mẫu: nàng tội lỗi nhưng tội lỗi một cách đáng yêu. Thật khó để biết nàng thực sự là ai: một ngôi sao Hollywood, một gái điếm, một kẻ đào mỏ hay là một đứa con gái nhỏ bơ vơ, không biết bảo vệ mình khỏi chính mình? Mặc lòng, khán giả vẫn yêu nàng và Paul Varjak, anh nhà văn nghèo vẫn phát điên vì nàng.



Nụ hôn ngọt ngào và ướt át trong "Breakfast at Tiffany"s".Holly Golightly mang bóng dáng của một kiểu nhân vật điển hình và ám ảnh trong văn học nghệ thuật - những con người nghèo khổ xuất thân từ tỉnh lẻ, cố gắng một cách tuyệt vọng để len vào tầng lớp thượng lưu ở những thành phố lớn. Hầu hết đều vỡ mộng và phải chấp nhận những kết cục bi thảm. Nhân vật trong Đỏ và đen của Stendhal bị tử hình, nhân vật trong Miếng da lừa của Balzac chết trong đêm tân hôn, nhân vật trong Gatsby vĩ đại bị bắn chết…

Trong nguyên gốc tiểu thuyết, Holly Golightly có một kết thúc cay đắng và nuối tiếc nhưng những nhà làm phim đã thay đổi câu chuyện một cách tươi sáng và lãng mạn hơn. Bộ phim khởi đầu bám khá sát nguyên tác và mang sức nặng của nhân vật nguyên mẫu nhưng đã kết thúc theo một cách rất… Hollywood. Breakfast at Tiffany’s chứa những yếu tố về sau đã trở thành kinh điển cho thể loại tình cảm lãng mạn hài - ca ngợi tình yêu có sức mạnh cứu vớt tất cả và ngôn từ có sức thay đổi mọi thái độ, mọi hoàn cảnh.

Khán giả Việt ít người biết rằng vai diễn Holly Golightly lúc đầu được dành riêng cho Marilyn Monroe. Capote tuyên bố: “Marilyn luôn là lựa chọn đầu tiên của tôi trong vai Holly Golightly”. Tuy nhiên, Lee Strasberg, nhà đạo diễn - sản xuất lừng danh đã khuyên Marilyn Monroe không nên nhận vai diễn này vì đóng vai một gái điếm có thể làm xấu hình tượng của cô. Marilyn Monroe từ chối lời đề nghị và Audrey Hepburn là người thay thế.



Marilyn Monroe (trái) vốn là minh tinh đầu tiên được mời đóng "Breakfast at Tiffany"s".Khó có thể nói giữa Marilyn Monroe và Audrey Hepburn, ai sẽ thể hiện thành công Holly Golightly hơn. Cả hai đều rất nổi tiếng và đều là những nàng thơ của Hollywood. Nếu Marylin Monroe ở lại với vai diễn, Breakfast at Tiffany’s có lẽ sẽ vẫn tuyệt diệu và vĩ đại nhưng theo một kiểu khác, cay đắng và bi kịch hơn chẳng hạn. Tuy nhiên, Marylin Monroe chưa chắc đã có thể trở thành một biểu tượng điện ảnh và thời trang như Audrey Hepburn làm được. Với vai diễn Holly Golightly, Audrey Hepburn đã chạm tới đỉnh cao trong sự nghiệp diễn xuất của mình. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, khán giả vẫn nhớ mãi hình ảnh Audrey Hepburn, trong ánh nắng chiều tà, ngồi thoải mái bên bậu cửa sổ, đầu cuốn khăn tắm, mặc quần áo ở nhà, gảy đàn guitar và hát Moon River.

George Peppard đã diễn tròn vai chàng nhà văn Paul Varjak si tình và cùng Audrey Hepburn tạo nên một cặp không thể đẹp hơn trên màn ảnh. Franz E. Planner thì giới thiệu đến khán giả một New York hoa lệ đẹp đẽ trong từng khung hình. Phần nhạc nền xuất sắc của Henry Mancini tạo không khí lãng mạn mơ màng đặc biệt của bộ phim.

Breakfast at Tiffany’s có thể sẽ không làm hài lòng những fan trung thành của cuốn sách nhưng sẽ dễ dàng thỏa mãn những ai muốn tìm đến một câu chuyện thuần túy lãng mạn, duy mỹ và kinh điển. Đây là bộ phim mà gần như người phụ nữ nào cũng đều yêu thích và không-thể-không-xem đối với những ai ngưỡng mộ vẻ đẹp tinh tế đẳng cấp của Audrey Hepburn, cũng như những ai là fan của… mèo.

* Clip:Audrey Hepburn hát "Moon River"
* Clip:Nụ hôn ngọt ngào, ướt át ở cuối phim

Breakfast at Tiffany’s – Bữa sáng ở Tiffany’s

Đạo diễn: Blake EdwardsKịch bản: George Axelrod, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Truman CapoteDiễn viên chính: Audrey Hepburn và George PeppardThể loại: Tâm lý, Tình cảm, hàiĐộ dài: 115 phútPhát hành: 1961Giải thưởng: Phim giành được 5 đề cử Oscar và đoạt 2 giải cho nhạc phim và ca khúc hay nhất với Moon River.

Bài viết liên quan